Internet of Things và tính hữu dụng trong đời sống thường nhật
Từ năm 1982, Internet of Things - IoT (Internet vạn vật) đã được ứng dụng vào chiếc máy bán hàng tự động Coca-Cola và đến nay đã phủ sóng mạnh mẽ nhiều thiết bị khác như máy rửa bát, xe hơi, robot, đèn giao thông... Các chuyên gia cho rằng vào năm 2020 sẽ có 50 thiết bị sử dụng nền tảng chia sẻ dữ liệu IoT để hoạt động, trong đó nổi bật là các thiết bị điện tử đeo tay và nhà thông minh.
Chính phủ Anh dự đoán đến năm 2019 sẽ có 69% nhà ở tại đây được trang bị các thiết bị kết nối và đã đầu tư hơn 40 triệu bảng cho nghiên cứu ứng dụng Internet of Things. Giải pháp không có gì là quá cao siêu, tập trung đưa ra những ứng dụng hữu ích trong cuộc sống thường nhật như dùng điện thoại di động để điều khiển hệ thống chiếu sáng trong nhà, bật máy pha cà phê, lò vi sóng…
Đơn cử như với một ấm đun nước bình thường, chỉ cần tích hợp bộ mạch rẻ tiền, bộ cảm biến cùng ứng dụng cho điện thoại, các nhà sản xuất sẽ cung cấp một bình đun nước thông minh. Nhờ đó người dùng không chỉ nấu nước sôi ngay cả khi ra khỏi nhà mà còn kiểm tra được liệu còn bao nhiêu nước trong bình, nhiệt độ nước hiện tại.
Hệ thống thiết bị IoT còn hữu ích cho việc kiểm soát hệ thống máy lạnh, máy sưởi, quạt lúc gia chủ vắng nhà. Trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, các cảm biến sẽ thu thập dữ liệu về gia tăng nhiệt độ, khói, tiến hành gửi tin nhắn cảnh báo đến điện thoại chủ nhà và tự động tắt gas cùng các thiết bị có khả năng gây nhiệt.
Để làm được điều này, cần xây dựng một "hệ sinh thái" các thiết bị có khả năng tương thích với nhau. Ví dụ bộ cảm biến nhiệt độ Nest Learning Thermostat hoạt động tốt cùng máy báo động khói Nest Protect, hay các bóng đèn thông minh Lifx đồng bộ được với Nest.
Không nằm ngoài cuộc chơi IoT, Apple đã tạo ra hệ sinh thái HomeKit cho phép dùng iPhone để điều khiển các thiết bị nhà thông minh. Samsung cũng phát triển nền tảng Arctic hỗ trợ sử dụng điện thoại Galaxy để vận hành đèn và hệ thống an ninh trong nhà. Trong khi đó, Microsoft, Sony, Philips và một số thương hiệu điện tử lớn khác sử dụng hệ thống AllJoyn của Qualcomm.
Các chuyên gia cho rằng với sự phổ biến của điện thoại thông minh thì việc ứng dụng IoT sẽ giúp cuộc sống chúng ta dễ dàng, tiện nghi hơn. Điều này thể hiện rõ qua các thiết bị nhà bếp, mà nổi bật là tủ lạnh. Trước kia, chẳng ai biết tủ lạnh còn gì khi chưa mở cửa ra. Nhưng hiện tại chỉ cần liếc qua màn hình smartphone là biết ngay còn sản phẩm nào, được đặt ở đâu nhờ tích hợp camera bên trong kết nối đến ứng dụng di động.
Tủ lạnh còn được trang bị màn hình cho phép hiển thị hình ảnh bên trong tủ, đưa ra nhắc nhở những thực phẩm đang thiếu, kết nối Internet, nghe nhạc, hỗ trợ giải trí đa dạng.
Còn hãng AEG cho ra mắt công nghệ ProCombi Plus Smart, cho phép gia chủ điều khiển bếp nấu ăn qua ứng dụng trên iPad, điều chỉnh nhiệt độ hay tắt bếp trong khi đang thảnh thơi ngồi xem những chương trình TV yêu thích tại phòng khách.
Các thương hiệu như Miele và Bosch cũng đang khám phá Internet of Things, nghiên cứu phát triển hệ thống máy giặt thông minh hỗ trợ thực hiện các quy trình giặt giũ qua điện thoại. Khi đã hoàn tất việc giặt hay có những sự cố về mất nước, ngưng hoạt động..., máy sẽ tự động gửi tin nhắn thông báo đến cho người dùng.
Công ty Cổ phần BYTECH Việt Nam
Địa chỉ: Số 8, ngách 2/69 Hoàng Liệt, Quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội
Điện thoại: 024.6666.8989 Mobile: 0987.888.411
Email:
info@bytech.vn
Website: https://bytech.vn